Nội dung phim
Cuối thập niên 60, nhiều bộ phim chiến tranh có ý nghĩa sâu sắc ra đời, như Ivan's Childhood (1962) của Anderi Tarkovsky, Bridge on the River Kwai (1957) và Lawrence of Arabia (1962) đều của David Lean, cũng như phong trào quay các phim sử thi nửa tài liệu, có quy mô lớn và dựa trên những trận đánh có thật. Tiêu biểu cho dòng phim này gồm: Battle of the Bulge (1965), Anzio (1968), Battle of Britain (1969), Waterloo (1970), Tora! Tora! Tora!(1970), Midway (1976) và A Bridge Too Far (1977), trong đó có The Battle of Neretva (1969).
Battle of Neretva - Bitka na Neretvi (Trận Đánh Neretva) là một bộ phim hợp tác quốc tế giữa Nam Tư, Tây Đức, Ý và Mỹ do Veljko Bulajić làm đạo diễn, ra mắt lần đầu năm 1969. Đây là một bộ phim sử thi hoành tráng được đầu tư rất lớn vào thời điểm đó (đứng thứ 5 trong danh sách các phim kinh phí cao nhất không phải ngôn ngữ tiếng Anh được cập nhật cuối tháng 6/2012 đã tính lạm phát, xấp xỉ 71 triệu USD), vì thế không ngạc nhiên khi nó trở thành một tác phẩm kinh điển về đề tài chiến tranh và được đề cử giải Oscar Phim ngoại ngữ hay nhất năm 1969. Battle of Neretva cũng là tác phẩm nổi tiếng nhất, là niềm tự hào của điện ảnh Nam Tư cũ.
Vào tháng 1 năm 1943, quân đội Đức lo sợ một cuộc đổ bộ của quân Đồng minh vào bán đảo Balkan, đã phát động một cuộc tấn công lớn chống lại những người kháng chiến Nam Tư ở Tây Bosnia. Lối thoát duy nhất cho lực lượng du kích và hàng ngàn người tị nạn là cây cầu trên sông Neretva, nhưng nó cũng là lợi thế để quân Đức tiến quân, bao vây và bắt đầu chiến dịch càn quét. Tổng hành dinh quân du kích phải đứng giữa 2 lựa chọn, phá hủy hay bảo vệ cây cầu...
Trận Neretva trong thực tế lịch sử, hơn 20.000 quân kháng chiến Nam Tư đã phải chiến đấu với một lực lượng hùng hậu gồm 150.000 quân của phe liên quân Đức, Ý, Hungari, Bulgaria, Croatia. Trong sự kiện trên, mặc dù bị thương vong nặng nề, chỉ huy quân du kích Josip Broz Tito (sau này là Nguyên soái, Tổng thống Cộng hòa Liên bang XHCN Nam Tư) đã vận động hành quân linh hoạt, vừa đánh vừa rút nên đã đưa được lực lượng quân kháng chiến thoát khỏi vòng vây và rút lui đến nơi an toàn.