Nội dung phim
Focus Features và Laika, những hãng phim đã sản xuất ra bộ phim hoạt hình được đề cử Oscar Coraline, vừa giới thiệu đến khán giả bộ phim hài đầy chất phiêu lưu kỳ thú Paranoman.
Tiếp nối Coraline, Paranoman là bộ phim thứ hai được làm theo thể loại stop-motion (thuật ngữ để chỉ những đoạn phim được tạo nên từ hàng loạt những hình ảnh chụp tĩnh) dưới định dạng 3D, hứa hẹn sẽ mang đến cho người xem một câu chuyện đầy sáng tạo, độc đáo, kỳ diệu với những tạo hình tỉ mỉ đến từng mi-li-mét.
Norman, cậu bé có khả năng đặc biệt là có thể nhìn thấy và nói chuyện với thây ma
Khi cả thị trấn bị bao vây bởi những thây ma đội mồ sống dậy, ai là người bạn có thể gọi và hét S.O.S? Chỉ một cái tên - Norman! Paranoman lấy bối cảnh tại thị trấn Blithe Hollow, nơi được cho là đã bị yểm bởi một phù thủy cách đây hơn 300 năm.
Cậu bé 11 tuổi Norman Babcock (lồng tiếng bởi Kodi Smit-McPhee - diễn viên chính trong phim Let Me In và The Road) sống tại thị trấn này dành phần lớn thời gian của mình để chiêm nghiệm những điểm đặc sắc của loạt phim kinh dị và nghiên cứu về các truyền thuyết ma quỷ. Trên thực tế, Norman được trời phú cho khả năng có thể nhìn thấy và nói chuyện với người quá cố, ví dụ như người bà yêu dấu của cậu (do Elaine Stritch lồng tiếng).
Norman liên tiếp gặp nguy hiểm khi cố giải cứu thị trấn nhưng rất may cậu bé không cô đơn
Norman tình cờ liên lạc với người chú kì quặc của mình- Prenderghast (do John Goodman lồng tiếng), và bị làm cho rối trí với thông tin về lời nguyền hàng thế kỷ của phù thủy nọ là có thật và sắp linh nghiệm. Chỉ một mình Norman có thể ngăn chặn được điều đó bằng cách thông báo với những người dân trong thị trấn (những người lớn mà phần lớn trong số họ đều hết sức khờ khạo và có phần “lãng đãng”). Cậu bé mang giác quan thứ 6 này không ngờ rằng năng lực huyền bí của mình lại có thể chạm đến những giới hạn tận cùng của thế giới bên kia.
Stop-motion là thuật ngữ để chỉ những đoạn phim được tạo nên từ hàng loạt những hình ảnh chụp tĩnh. Nhà sản xuất Arianne Sutner tóm tắt loại hình phim này như sau: “Đó là một dạng nghệ thuật nơi các nhân vật hiển hiện một cách sống động, nơi mà trường quay được hoàn toàn xây dựng bằng tay và bạn có thể nhìn nhận rõ ràng tất cả mọi thứ trong không gian ba chiều bằng mắt thường”.
Hài hước và độc đáo nhưng phim có những cảnh khá kinh dị khiến trẻ có thể nổi da gà
Điểm mấu chốt của thế loại phim này tóm gọn lại ở hai chữ: sáng tạo. Những nhà hoạt họa sáng tạo ra nhân vật của họ chỉnh chu đến từng mi-li-mét cho từng thước phim. Chủ tịch hội đồng quản trị của Laika, Travis Knight, người đồng thời là sản xuất của Paranoman cho rằng: “Stop-motion là một quá trình rất đơn giản, nhưng vấn đề ở chỗ làm sao để thực hiện nó cho tốt lại là điều khó khăn nhất mà bạn phải phấn đấu. Mọi thể loại khác của dòng phim hoạt hình là sự lặp đi lặp lại, còn với stop-motion, đó là sự phát triển và biến đổi không ngừng trong từng khuôn hình, từng cảnh quay”.
Phim khởi chiếu từ 17/8.