Nội dung phim
The Flu xoay quanh một nhóm người nhập cư trái phép lẩn trốn trong một chiếc xe container chở hàng và điểm đến của họ là Hàn Quốc. Điều tồi tệ nhất là trong số đó có một người đang mang trong mình loại virus có khả năng gây tử vong với tốc độ lây lan chóng mặt.
Khi đến được Bundang - khu ngoại ô giàu có của Seoul - Byung Ki (Lee Hee Joon) và Byoung Woo (Lee Sang Yeo) mở thùng xe tải và nhanh chóng phát hiện ra tất cả thành viên trên chuyến xe đó đã chết. Người duy nhất còn sống sót cũng đã bị nhiễm virus chết người H5N1. Sau khi trốn thoát, anh ta và cả anh em nhà Byung Ki đã lây lan dịch bệnh đáng sợ cho những người dân ở khu vực lân cận.
Câu chuyện bắt đầu khi một nhóm dân nhập cư bất hợp pháp bị vận chuyển đến Hàn Quốc trên một chiếc container chở hàng, trong số họ có một người bị nhiễm loại virus cúm gia cầm mới. Chiếc xe gặp tai nạn và ngừng lại ở ngoại ô Bundang của Seoul khiến loại virus mới có điều kiện phát tán rộng khắp khu vực này. Bệnh dịch lây qua đường hô hấp, làm cho người bệnh chết trong đau đớn sau 36 giờ phơi nhiễm.
Chính phủ buộc phải thực hiện biện pháp cách ly toàn bộ cư dân của Bundang trước khi bệnh cúm lan rộng toàn lãnh thổ Hàn Quốc. Bà mẹ trẻ, bác sĩ Kim In-hae (Soo Ae) phải chạy đua cùng thời gian để tìm ra vắc xin chữa trị cho con gái Mirre của cô đang bị nhiễm bệnh; với sự hỗ trợ của người lính cứu hộ thầm cảm mến cô là Kang Jigu (Jang Hyuk).
“Khi lâm vào tình cảnh hiểm nghèo, con người ta không còn giữ được bình tĩnh nữa” - lời thoại của nhân vật Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng cũng chính là chủ đề của The Flu. Tuy không thể khiến người chết trồi dậy và trở thành thây ma thèm não người như nhiều bộ phim Hollywood nhưng virus cúm gia cầm nguy hiểm theo cách riêng của nó và chính hệ lụy diễn ra sau đó mới là điều đáng kinh sợ.
Một bác sĩ bị nhiễm cúm và ông ta lây cho toàn bộ bệnh nhân mà đang ra sức cứu chữa. Một bé trai bị nhiễm cúm và cậu bé ấy lây cho mẹ mình, cô giáo và những bạn học cùng lớp. Một tài xế xe bus bị nhiễm cúm, căn bệnh khiến ông mất khả năng kiểm soát tay lái, gây ra tai nạn thảm khốc cho toàn bộ hành khách và người đi đường. Còn nhiều hệ lụy nữa khi những người bị cách ly nổi loạn và tìm cách thoát ra khỏi trại tập trung; ý chí sống còn khiến họ trở nên hung hãn, chen lấn và đạp lên nhau để tồn tại, không khác gì loài thây ma.
Phim cũng mượn đề tài thảm họa để bàn về chính trị. Những ai từng xem bộ phim Mỹ The Crazies (1973) hoặc phiên bản làm lại vào năm 2010 thì The Flu cũng đem lại một cảm giác tương tự. Nhân vật phản diện của phim ngoài bệnh dịch ra còn là những con người mang trách nhiệm và quyền lực với cả đất nước. Để cứu lấy quốc gia, họ sẵn sàng hy sinh người dân của một tỉnh lẻ, “cách ly” vì thế chỉ là một tên gọi khác của cụm từ “thủ tiêu nguồn bệnh”.
Những lời hứa giả tạo về phương thuốc chữa virus chỉ kết thúc bằng việc xác của những người bệnh bị chất thành núi chờ hỏa thiêu. Những người lính chính phủ đeo chiếc mặt nạ phòng hơi độc sắc lạnh và vô hồn, tựa như binh đoàn địa ngục dồn người dân vô tội vào cõi chết. Không khí trở nên căng thẳng và ngột ngạt, tính cao trào của phim được đẩy tới đỉnh điểm làm cho người xem cảm thấy thương tâm khi nhìn những kẻ ấy tiêu diệt chính đồng loại của mình.
Nhân vật giành được nhiều cảm tình là Ngài Tổng thống (Cha In-pyo). Mặc cho những lời khuyên can và chỉ trích nghiệt ngã của Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Hàn, ông vẫn đi theo tâm niệm “chính quyền không bao giờ bỏ mặc nhân dân”. Không như những vị “tay to mặt lớn” khác, Tổng thống luôn tìm kiếm và trông chờ vào những biện pháp giảm tối thiểu thương vong, cũng như sẵn sàng tuyên chiến với Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Mỹ để khẳng định lập trường của mình. Tuy thời lượng xuất hiện không nhiều nhưng nhân vật này để lại ấn tượng tốt trong lòng người xem với từng lời phát biểu đanh thép nhưng cũng ẩn chứa lòng nhân ái từ thực tâm.
The Flu xứng đáng là một siêu phẩm lấy đề tài thảm họa xuất sắc trong năm nay của điện ảnh Hàn Quốc.