Nội dung phim
Nội chiến Trung Quốc (giản thể: 国共内战; phồn thể: 國共内戰; bính âm: guógòng neìzhàn; nghĩa đen "Quốc-Cộng Nội chiến" ), kéo dài từ tháng 4 năm 1927 đến tháng 5 năm 1950, là một cuộc nội chiến ở Trung Quốc giữa Trung Quốc Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau thời kỳ hợp tác ban đầu, do những bất đồng sâu sắc về quan niệm phát triển kinh tế - xã hội, những người Cộng sản Trung Quốc cùng nhiều thành viên cũ thuộc cánh tả của Quốc dân Đảng dần tách ra và hình thành một phe cánh chính trị trong nội bộ Quốc dân Đảng. Cuộc chiến này bắt đầu năm 1927, sau cuộc Bắc phạt, khi phái cánh hữu của Quốc dân Đảng do Tổng tư lệnh Tưởng Giới Thạch dẫn đầu đã thanh trừng và thảm sát hàng loạt những người Cộng sản và cánh tả của Quốc dân Đảng, do những bất đồng sâu sắc đại diện cho sự chia rẽ ý thức hệ. Những người Cộng sản và cánh tả còn sống sót của Quốc dân Đảng tuyên bố rằng Tưởng Giới Thạch đã phản bội cách mạng và họ đã tách ra thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc để chống lại.
Quốc dân Đảng được phương Tây ủng hộ và Đảng Cộng sản được Liên Xô ủng hộ.[5] Cuộc nội chiến bị gián đoạn do cuộc Chiến tranh Trung-Nhật, với việc thành lập liên minh kháng chiến Trung Quốc chống sự xâm lược của Nhật, cho tới khi quân Nhật bị Đồng Minh đánh bại vào tháng 8 năm 1945, kết thúc Thế chiến thứ hai, và nội chiến Trung Quốc lần 2 tiếp tục vào năm 1946.
Sau 3 năm chiến tranh, chiến tranh đã chấm dứt không chính thức. Đảng Cộng sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo, nhờ sự ủng hộ của đa số người dân, chính sách hợp lý cùng sự yếu kém của Quốc dân đảng nên đã giành chiến thắng, họ kiểm soát Trung Hoa đại lục (bao gồm cả đảo Hải Nam), thành lập nên nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Còn phe Quốc dân Đảng do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo thất bại, chỉ còn nắm giữ các lãnh thổ là đảo Đài Loan, quần đảo Bành Hồ, và nhiều đảo bên ngoài Phúc Kiến.
Cho đến ngày nay, chưa có một hiệp định đình chiến nào đã được hai bên ký kết dù hai bên đã có quan hệ kinh tế chặt chẽ. Chính phủ Đại lục và Đài Loan đều duy trì lập trường rằng họ là chính phủ hợp pháp của toàn bộ Trung Hoa và tiếp tục đấu tranh trên phương diện ngoại giao. Tính đến năm 2017 cuộc chiến vẫn còn duy trì trên phương diện ngoại giao và kinh tế nhưng không có hoạt động quân sự nào.
Xét về quân số huy động, đây cũng là cuộc chiến tranh quy mô lớn thứ 2 trong lịch sử, và có rất nhiều điểm giống với cuộc Nội chiến Hoa Kỳ (1861-1865). Bản thân nhiều nhà sử gia đã nói rằng cuộc nội chiến Trung Quốc là "phiên bản sao chép" của nội chiến Hoa Kỳ.
Trong khi Đế quốc Nhật tiến hành xâm chiếm và biến Mãn Châu quốc làm thuộc địa, thì Tưởng Giới Thạch vẫn không chịu liên kết với Đảng Cộng sản để chống Nhật, vì coi Cộng sản là mối nguy còn lớn hơn. Ngày 12 tháng 12 năm 1936, một số sĩ quan Quốc dân đảng, đứng đầu là Trương Học Lương tiến hành binh biến, bắt giữ Tưởng và buộc ông phải cam kết hòa hoãn với Đảng Cộng sản. Sự kiện này được biết đến với tên gọi Sự biến Tây An.[24] Cả hai phía Quốc Cộng sau đó ngưng các hoạt động quân sự để thành lập Mặt trận thống nhất Trung Quốc đệ Nhị, tập trung vào chống kẻ thù chung là đế quốc Nhật.[24] Năm 1937, Nhật Bản cho máy bay ném bom các thành phố tại Trung Quốc, đồng thời tung các đạo quân tinh nhuệ đánh chiếm miền bắc và miền duyên hải Trung Hoa.
Việc Quốc dân-Cộng sản liên minh chỉ tồn tại trên danh nghĩa.[25] Đảng Cộng sản tiến hành chiến tranh du kích chống Nhật, nhưng tránh giao chiến lớn do lực lượng của họ quá ít ỏi, đồng thời họ cũng đánh lui các cuộc tấn công mình của Quốc dân đảng. Sự hợp tác Quốc-Cộng trong thời gian này chỉ ở mức tối thiểu.[25] Ngay trong Mặt trận thống nhất Trung Quốc, cả Quốc dân đảng lẫn đảng Cộng sản đều tìm cách chiếm ưu thế những lãnh thổ không nằm trong tay quân Nhật.[25] Tình hình trở nên xấu đi vào cuối năm 1940, đầu năm 1941 khi Đảng Cộng sản và Quốc dân đảng có xung đột lớn. Tháng 12 năm 1940, Tưởng Giới Thạch ra yêu sách Tân Tứ quân của Đảng Cộng sản phải rời các tỉnh An Huy và Giang Tô. Do phải chịu sức ép nặng nề, các lãnh đạo Tân Tứ quân phải chấp thuận. Năm 1941 lại xảy ra "sự kiện Tân Tứ quân", hai phía Quốc Cộng xung đột khiến cho vài ngàn quân thuộc Đảng Cộng sản bỏ mạng.[26] Sự kiện này đánh dấu sự chấm dứt mặt trận thống nhất chống Nhật.[26] Nhìn chung, sự thành lập mặt trận có lợi cho phía đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhờ chiến lược quân sự hợp lý, lực lượng của đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng được mở rộng và uy tín trong nhân dân được nâng cao, trong khi phía Quốc dân đảng thì ngược lại.